Hotline : 0967 057 711 - 0967 027 711 - 0963 779 771

Facebook Live Chat

Ai nói cơ hội việc làm sau tốt nghiệp tại Mỹ khó - Vậy thì hãy khám phá nhé!

                                     

Hãy cùng lắng nghe chia sẻ của một bạn du học sinh đang sinh sống và làm việc tại Mỹ.

Năm 19 tuổi, mình chân ướt chân ráo đến Mỹ du học với cái hoài bão mạnh liệt như biết bao nhiêu du học sinh khác: được ở lại Mỹ làm việc sau khi tốt nghiệp đại học. Hồi đấy trẻ trâu mình vẫn nghĩ (không dám phát ngôn vì sợ nhận gạch đá) rằng những đứa đi du học phải về nước đều là những đứa chả giỏi giang gì, nên mới không xin được việc ở lại. 

Một thời nông cạn con nít, xin các anh em bỏ quá cho. Chứ đến Mỹ chục ngày thì muốn về, nào thì bất đồng văn hóa, bất đồng ngôn ngữ, rồi các gì cũng tự lo tự nghĩ, chứ chả sướng như ở nhà, bố ơi mẹ ơi một cái là đâu vào đấy. Thôi cái này nếu có dịp mình xin kể lể sau. Ngắn gọn thì một thân một mình nơi đất khách quê người chả dễ dàng gì cho dù là đi học hay đi làm. 

Với cả ở lại Mỹ sau khi tốt nghiệp đại học ngày một khó. Vì quá đông du học sinh muốn ở lại nên càng ngày Mỹ càng đặt ra nhiều luật lệ để “đuổi” du học sinh về nước. Muốn ở lại Mỹ làm việc hợp pháp (có visa theo dạng việc làm) trước hết bạn phải có việc lương cao (lương cao đến đâu thì tùy thuộc vào ngành, và vị trí bạn làm việc. Dĩ nhiên làm việc ở những thành phố lớn như kiểu New York, San Francisco, Chicago thì đòi hỏi lương bạn phải cao hơn nhiều những nơi khác). Sau đấy bạn phải được công ty tài trợ (Công ty phải đứng ra bảo lãnh về mặt giấy tờ, chứng minh pháp lý, tài trợ tiền, và ty tỷ những thứ khác. Nó như một vòng loại thứ hai vì bạn phải cống hiến được tương đối cho công ty thì công ty mới bỏ tiền bạc, thời gian, công sức để làm giấy tờ bảo lãnh cho bạn. Nếu một đứa có quốc tịch Mỹ làm kém bạn một chút, nhưng công ty chả mất gì để thuê nó, thì giữa nó với bạn, công ty sẽ chọn ai, kiểu thế). Nhưng đấy chưa phải vòng cuối cùng, vòng cuối là Mỹ nó chơi đánh bạc đỏ đen mới cười ra nước mắt ấy. Nó gom tất cả du học sinh, người lao động nước ngoài vào cho quay xổ số (dĩ nhiên là quay trên máy tính nhé), và tỷ lệ năm ngoái là 70% trượt, 30% có visa. Tỷ lệ này cao hơn một chút 50-50 cho những người học master. Vào được đến vòng bốc thăm này thì chắc chỉ biết cầu trời khấn phật. 

Nói sơ qua thế để mọi người biết ở lại Mỹ làm việc không dễ, nên đừng thấy du học sinh về nước mà hỏi “Ơ sao không ở lại. Tớ mà được đi là tớ ở lại luôn”. Với cả bác Trump mới lên thế này, mai bác cho lên tàu về nước thì cũng không biết chừng. Mình mới tốt nghiệp tháng 5 vừa rồi, Mỹ cho ở lại 3 tháng tìm việc làm hoặc thực tập, nếu có thì được làm thêm một năm (trong thời gian đấy cố mà được visa việc làm như mình kể trên kia kìa). Mình khá may mắn vì ra trường là có việc ngay trên New York City (mình thực tập 2 kỳ trước khi ra trường nên được nhận luôn sau khi tốt nghiệp).  Hiện giờ thì mình đang làm cho 2 công ty cùng trong ngành sự kiện và đám cưới: một công ty tổ chức sự kiện và một công ty thiết kế, trang trí hoa. Được làm đúng nghề, suốt ngày được lượn lờ khắp thành phố (khi thì đi khảo sát địa điểm, khi thì đi chọn bàn ghế trang trí, khi thì đi mua hoa, đi ăn thử đồ ăn …), sếp thì siêu đáng yêu (không chỉ như người thầy, mà còn là người cha người chú khi mình ở thành phố to oạch này một thân một mình), các anh chị làm cùng thì cực vui, nói đủ thứ tiếng, đến từ một tỷ nền văn hóa khác nhau, thế nên ngày nào mình cũng háo hức để được đi làm. Thế nhưng cả hai công ty mình làm đều là công ty nhỏ, cũng không chắc mình có được tài trợ không nữa, mà có được tài trờ thì cũng chắc gì qua được vòng bốc thăm, nên mình thực sự trân trọng từng ngày mình còn lại ở Mỹ, vì chả biết mai có phải về nước hay không. 

Mình đã từng là đứa sống cực kỳ logic và bảo thủ. Với cái hoài bão năm 19 tuổi ấy, ngay từ năm đầu đại học, mình đã vạch sẵn cho bản thân những mục tiêu và thời gian nhất định phải thực hiện (ví dụ phải có thực tập năm 2 đại học, phải thực tâp ở những thành phố lớn, năm 2 phải vào được hội sinh viên trường – đại khác như đoàn trường ở Việt Nam, vì đấy là tổ chức lớn nhất, có nhiều tiền tổ chức sự kiện nhất trường mình, vân vân và vân vân…). Thế nên dù được nhận làm từ trước khi tốt nghiệp (cuối đợt thực tập) mình đã từng lăn tăn xem có nên xin ở những công ty khác lớn hơn không, hay học lên master để tỷ lệ bốc thăm sẽ cao hơn. Nói chung mình cũng trải qua khủng hoảng hậu tốt nghiệp như biết bao bạn khác. Mình nghĩ nhiều đến mức, đứa bạn nó đùa rằng “Nghĩ ít thôi không tẩu hỏa nhập ma đấy”. Nó nói chẳng sai tí nào, không đến mức tẩu hỏa nhập ma, nhưng càng nghĩ lắm thì càng đau đầu. Thế nên một ngày đẹp trời, mình quyết định không nghĩ nữa. Cứ lên New York đi làm thôi, vui trước đã, hết một năm tính tiếp. Với cả về nước chả phải điều gì tồi tệ, mình chỉ lo mỗi một việc là về nước mình sống được, trụ được với cái nghề sự kiện, đám cưới này không, khi mà ở nhà ngành này chưa thực sự phát triển. Đấy, lại nghĩ lan man rồi, mình tự đặt mục tiêu phấn đấu là nghĩ xem ngày mai nên làm gì cho vui, cho khác hôm nay, hết. 

Hiện giờ thì mình luôn nghĩ rằng mình không còn nhiều thời gian ở Mỹ nữa, nên những gì muốn làm, những nơi muốn đi, những gì muốn thử ở Mỹ thì phải cố gắng làm. Nghĩ thế nên mình cũng làm được khá khá những thứ mới: đi du lịch một mình, đi xem bóng chày Yankee, đi xem nhạc kịch Broadway (mình còn được vào xem trước khi công chiếu), ăn thử đồ Ấn, đồ Cuba, đồ Brazil, đi xe bus hai tầng ngắm thành phố… - những thứ mà mình của một hai năm trước sẽ cực kỳ ngại thử. 

Hôm trước có một người bạn nói với mình là quyết định nghỉ việc, mình cũng hơi giật mình tại lương của nó gần gấp đôi lương của mình. Hỏi tại sao thì nó bảo nó thích cách sống của mình, nó muốn được làm nghề nó thích, chứ không phải cứ làm công ty lớn, kiếm nhiều tiền là vui đâu. Dĩ nhiên là mình ủng hộ nó 200% về việc bỏ việc rồi, theo mình sống thì cứ phải vui trước đã! 

Nhiều khi thấy bọn bạn bè cùng lức chúng nó công việc ổn định, ngồi văn phòng máy lạnh nắng không đến mặt, mưa không đến đầu, rồi lại chồng con đuề huề, cũng thấy chạnh lòng. Nhưng mà thôi mai mình còn đi cắm trại trong nhà với mấy chị làm cùng, đi phượt với đám bạn cùng trường đại học, rồi qua New Orleans một mình thăm mấy chỗ quay phim The Originals nữa 

Trần Mai Anh
Du học sinh tại trường đại học Truman, Kirksville, Missouri, Mỹ

 

Blue Ocean


ĐỐI TÁC