Hotline : 0967 057 711 - 0967 027 711 - 0963 779 771

Facebook Live Chat

Bài thi : Lập kế hoạch du học - Nguyễn Lê Thủy Tiên (Hà Nội)

BÀI CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỚI CHỦ ĐỀ "LẬP KẾ HOẠCH DU HỌC"

Viết bởi Bạn Nguyễn Lê Thủy Tiên - Số 15 - tổ 40 - phường Dịch Vọng - quận Cầu Giấy - Hà Nội

Xin chào tất cả các bạn! Có rất nhiều bạn sở hữu vốn ngoại ngữ cực vững chắc (cả bốn kĩ năng đọc, nghe, nói, viết đều đạt đến trình độ chuẩn), vậy tại sao cánh cổng du học vẫn không chịu mở ra với họ? Câu trả lời chỉ có duy nhất: Kế hoạch du học chưa tốt. Bài viết này dựa trên chính những kinh nghiệm của mình, rất hi vọng nó có thể góp phần giúp các bạn tìm chìa khóa để mở cách cổng trên.

Trước tiên, để du học được, bạn cần phải xác định bạn định học nước nào. Có nhiều người sẽ chọn Mỹ, cũng có nhiều người sẽ chọn các nước châu Âu và đồng thời những người khác chọn các nước ở châu Á, hay các đất nước khác làm điểm đến cho tương lai của mình. Việc xác định đất nước bạn định đến học đóng một vai trò quan trọng để bạn có thể đáp ứng các yêu cầu để du học tại đất nước đó. Chẳng hạn như để tới Mỹ, hoặc Anh, điểm TOEFL hoặc IELTS là thứ bạn không thể thiếu. Ở Mỹ tất cả các trường đều công nhận điểm TOEFL và tới giờ thì rất nhiều trường đã bắt đầu công nhận điểm IELTS còn ở Anh thì ngược lại. Ở một số nước châu Âu như Đức, Phần Lan, bạn còn cần thi thêm một chứng chỉ riêng để được nhận. Ngoài ra, mỗi nước có một hệ thống tính điểm riêng, vì thế bạn cần tìm hiểu về mục này để tránh việc làm sai, thiếu... Tương tự như vậy, mỗi đất nước lại có những đặc điểm khác nhau về con người, khí hậu, thiên nhiên, môi trường... Xác định đất nước bạn muốn học sẽ giúp bạn thích ứng hơn với đất nước ấy.

Thứ hai, chọn trường. Có hai loại du học: du học tự túc và du học theo học bổng (có thể không phải trả thêm tiền hoặc vẫn cần trả tiền). Mình hiện đang là học sinh lớp 12 và có ý định đi du học để lấy bằng cử nhân. Nhà mình thì không có đủ điều kiện tài chính để trả toàn bộ học phí cũng như sinh hoạt phí cho mình ở nước ngoài vì thế con đường duy nhất của mình để tiến đến với ước mơ là học bổng. Có nhiều trường cho học bổng dựa vào lực học, điểm thi các chứng chỉ quốc tế ... cũng có nhiều trường không cho học bổng. Các bạn cần chọn trường để đáp ứng với điều kiện tài chính của nhà mình vì giả sử đang học giữa chừng mà gia đình bạn không thể chi trả cho những chi phí ăn học của bạn nữa thì bạn sẽ phải gói ghém đồ đạc đi về đấy. Ngoài ra việc chọn trường còn phải tính đến các khía cạnh như vị trí địa lý (có nằm ở trung tâm không, ở trong thành phố hay ngoại thàn,...khí hậu (nếu như bạn không thể chịu được sự lạnh giá của mùa đông ở các thành phố Nga mà bạn lại định du học ở đây thì là một vấn đề đấy); con người (trường có đông học sinh quốc tế không, tỉ lệ học sinh các nước như thế nào...)

Tiếp theo, bảng điểm trên lớp (GPA) và các hoạt động ngoại khóa. Không một trường nào muốn nhận học sinh có năng lực học quá tồi ngay cả các trường ở Việt Nam cũng vậy. Các trường sẽ đưa ra một mức điểm sàn nhất định (điểm học bạ). Bạn cần dựa vào đấy để giữ vững điểm trên lớp của mình. Theo sự quan sát của mình hầu hết GPA mà các trường yêu cầu cần có là từ 8.0/10 trở lên. Với đa số học sinh Việt Nam, điểm này không khó, chỉ cần nỗ lực và chăm chỉ một chút, bạn còn có thể đạt tới 9.0/10 nữa. Trong trường mình còn có một vài bạn có GPA ngất ngưởng là 9.7/10.  Điểm 9.0 này còn là điểm cần mà các bạn dự định xin học bổng các trường Anh, Mỹ, Úc, nên có. Và bạn cũng cần phải duy trì điểm của mình trong 3 năm cấp ba (nếu có ý định là đi sau lớp 12 như mình) và nếu được hãy cố gắng sao cho điểm tăng dần theo từng năm. Ví dụ như năm lớp 10 bạn được 9.0; năm lớp 11 bạn được 9.2; năm lớp 12 bạn được 9.3. Điều này sẽ giúp người lọc hồ sơ ấn tượng với bạn hơn. Trong ba năm cấp 3 và cả sau này nữa, bạn nên tham gia các hoạt động ngoại khóa. Lợi ích của chúng vô cùng to lớn: không chỉ giúp bạn mở rộng mối quan hệ, làm quen với thực tế, trau dồi các kĩ năng mà các kinh nghiệm hoạt động ngoại khóa sẽ giúp làm đẹp hồ sơ của bạn hơn. Chẳng trường nào muốn nhận một học sinh đầu to mắt cận, không bao giờ quan tâm đến xã hội cả. Để tránh sao nhãng việc học, bạn hãy chọn lựa các hoạt động vừa tầm, không yêu cầu mất quá nhiều thời gian và công sức. Theo kinh nghiệm của mình, bạn tham gia 1 CLB tình nguyện cố định (như CLB 350 Việt Nam trong một năm thường có rất 10 hoạt động nhỏ khác nhau phân bố vào thời gian rất hợp lý (không vướng vào thi học kỳ); 1 CLB tiếng Anh (như CLB Dace English Club sẽ giúp bạn trau dồi khả năng tiếng Anh cũng như trong CLB có rất nhiều anh chị cố vấn là du học sinh nước ngoài có thể tư vấn cho bạn).

Thứ 4, các chứng chỉ quốc tế. Đa phần các nước sẽ yêu cầu bạn thi IELTS hoặc TOEFL hoặc chứng chỉ riêng (phụ thuộc vào việc chọn đất nước và chọn trường). Mình có dự định đi Mỹ nên mình chọn thi TOEFL và mình sẽ tập trung vào kinh nghiệm để thi chứng chỉ này. TOEFL gồm 4 kĩ năng: nghe, nói, đọc, viết. Thời gian của mình ôn thi thì không nhiều (2 tuần trước khi thi) và lúc đó là lúc đang thi học kỳ. Thời gian khá gấp nên mình cũng không ôn được nhiều và điểm cũng chưa được như mong muốn. Vì thế lời khuyên đầu tiên mình muốn dành cho các bạn là nên thi các chứng chỉ này trong mùa hè và dành ra 2 tháng trước khi thi để ôn. Bạn hãy cố gắng mỗi ngày làm được 1 đề hoàn chỉnh thêm với các bài tập con về đọc hoặc nghe. Tất cả các sách đều hiệu quả vì TOEFL kiểm tra kĩ năng, không phải là một bài thi về trí tuệ, vì thế luyện càng nhiều càng hiệu quả. Mình gợi ý là sách của Cambridge và cuốn Mastering TOEFL ibt là hai cuốn rất hiệu quả. Ngoài ra trên mạng có rất nhiều phần mềm có thể tải về và làm như bài thi thật. Luyện nói thì hãy tìm đến các trang du lịch với người nước ngoài, hoặc tham gia các CLB tiếng Anh, khả năng nói của bạn tăng đáng kể (nhờ đó mà mình thi nói được 23, bỏ mất 1 câu vì lúc đấy bận hắt hơi thế là không nghe được đoạn quan trọng còn lại thì chưa nói hết, nếu nói được hết chắc cũng phải được 26). Về việc luyện viết thì cứ cố gắng viết thật nhiều, tham gia thật nhiều cuộc thi viết là được. Viết của TOEFL không khó, cái quan trọng là bạn làm chủ được ngôn ngữ của mình. Trước khi thi TOEFL 1 tuần bạn hãy mua 1 cái code ở đó (mất tầm 40$) nhưng khá đáng tiền bỏ ra vì nó hệt như một kì thi thật, bạn sẽ được trải nghiệm và chấm điểm như thi thật. 1 ngày trước khi thi thì không nên ôn gì nữa, hãy nghỉ ngơi và ăn uống điều độ để chuẩn bị sức khỏe cho ngày hôm sau thi thật tốt nhé.

Thứ 5 và cũng là cuối cùng: kế hoạch B (đặc biệt dành cho các bạn có kế hoạch A là đi Anh, Mỹ, Úc). Một ngày đẹp trời tháng 4: bạn nhận được giấy báo trượt. Bạn hoảng hốt, tức giận, rồi buồn, nhưng chẳng ích gì cả, trượt vẫn là trượt. Bạn cho mình là kẻ bỏ đi, phí công ăn học của bố mẹ, hay thậm chí sẽ có 1 giây thoáng qua là bạn chẳng thiết sống trên đời nữa. Đừng làm như vậy, tin mình đi, cách cửa du học chưa hoàn toàn đóng lại với bạn đâu. Bạn có thể để tái nộp đơn cho học kì mùa xuân, còn như mình, cách giải quyết của mình là tiếp tục thi đại học Việt Nam. Đừng dừng lại, cứ đọc tiếp đi. Mình sẽ chọn 1 trường cao và một trường chắc chắn đỗ để nộp đơn cho 2 nguyện vọng. Và rồi mình sẽ đi học đại học Việt Nam. Trong cùng lúc mình đi học, mình sẽ học thêm tiếng Đức và thi lấy chứng chỉ của Đức. Sau đó nộp đơn vào trường bên Đức. Yêu cầu của các trường không quá cao, và ngoài ra nhiều trường còn miễn học phí 100%, rất phù hợp với điều kiện của mình. Như vậy mình sẽ dành khoảng 1 học kì học đại học Việt Nam sau đó chuyển tiếp sang Đức. Nếu mình cố gắng và nỗ lực hơn nữa, mình có thể nhận suất học bổng của trường để chuyển tiếp sang học ở Mỹ (ước mơ của mình). Cũng tương tự như vậy, các bạn có thể chọn lựa các nước có chính sách miễn giảm học phí để làm kế hoạch B và sau đó chuyển tiếp như mình.

Du học, không chỉ phụ thuộc vào tài năng hay năng lực của bạn, mà cái quan trọng hơn là một kế hoạch chi tiết và cẩn thận. Cánh cửa ấy sẽ không quá xa vời cho những ai thực sự cố gắng và nỗ lực. Đây là một vài chia sẻ của mình về kế hoạch du học. Chúc các bạn thành công với những kế hoạch xuất sắc :)

 

Blue Ocean


ĐỐI TÁC