Hotline : 0967 057 711 - 0967 027 711 - 0963 779 771

Facebook Live Chat

Bài thi : Lập kế hoạch du học - Phạm Minh Thành (TP Hồ Chí Minh)

BÀI CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỚI CHỦ ĐỀ "LẬP KẾ HOẠCH DU HỌC"

Viết bởi Bạn Phạm Minh Thành – 307/58 Bàu Cát, Quận Tân Bình, Tp Hồ Chí Minh

Lập kế hoạch du học là một trong những bước chuẩn bị quan trọng nhất đối với du học sinh trước khi lên đường. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể lập được kế hoạch du học hoàn chỉnh (do hạn chế về thông tin, ngoại ngữ, thời gian…). Sau đây là một số chia sẻ về lập kế hoạch du học.

Xác định mục đích du học

Du học để làm gì? Điểm lợi của du học so với học trong nước (Ngoại ngữ, chương trình đào tạo…)? Xác định rõ mục đích, động lực bản thân dẫn đến quyết định du học.

Chọn ngành

Trước hết người học cần phải tìm hiểu về đặc điểm của từng khối ngành (khoa học tư nhiên, khoa học xã hội, nghệ thuật, máy tính, kĩ thuật, kinh tế, du lịch…) cũng như các ngành thuộc khối ngành đó:

-  Tỉ lệ người theo học khối ngành/ngành đó, thu nhập bình quân ở những vị trí khác nhau của những ngành nghề thuộc khối ngành/ngành đó (đối với sinh viên mới ra trường cũng như với ứng viên đã có nhiều năm kinh nghiệm), tỉ lệ cạnh tranh, phân bố độ tuổi/giới tính người học ở khối ngành/ngành đó (quan trọng vì ngoài việc thuận tiện/không thuận tiện khi theo học thì một số ngành vẫn còn tồn tại tình trạng chênh lệch giới tính/tuổi tác, hoặc do đặc thù của ngành đó chỉ phù hợp cho giới tính/độ tuổi nào đó).

-  Độ khó chung của khối ngành cũng như của từng ngành thuộc khối ngành đó (các ngành trong cùng một khối ngành sẽ có độ khó khác nhau).

Sau đó xem bản thân phù hợp với những khối ngành/ngành nào dựa trên những yếu tố như :

-  Sở thích/nhu cầu/mong muốn bản thân.

-  Trình độ, khả năng hiện tại.

-  Tài chính + thời gian (một số ngành đòi hỏi đầu tư nhiều hơn về tài chính cũng như thời gian)

-   Một số yếu tố phụ khác cần cân nhắc: gia đình, người thân, hỗ trợ từ tổ chức/cơ quan….

Chọn trường / quốc gia du học

Sau khi đã tìm được khối ngành/ngành phù hợp, người học nên chọn trường/quốc gia có thế mạnh về khối ngành đó. Một số chi tiết cần lưu ý:

Trường ở quốc gia nào? Thuộc vùng nào? Thế mạnh? Tỉ lệ du học sinh du học ở vùng đó (Nhiều người nước ngoài hay chủ yếu dân bản địa)? Tỉ lệ người Việt ở vùng đó (có thể nhờ giúp đỡ, tuy nhiên tránh trường hợp tiếp xúc thường xuyên bằng tiếng Việt dễ dẫn đến không trau dồi được vốn ngoại ngữ)? Thị trường lao động / việc làm ở nơi đó. Dựa vào các bảng xếp hạng để thống kê tỉ lệ các trường của vùng/ khu vực đang tìm hiểu trên bảng xếp hạng. Những nước có nền giáo dục mạnh thường sẽ có nhiều trường có tên trên các bảng xếp hạng, tuy nhiên tỉ lệ này cũng tương đối vì còn tùy thuộc vào số lượng trường ở mỗi quốc gia (quốc gia nhỏ thường có số lượng trường ít hơn nên đương nhiên số trường có mặt trên bảng xếp hạng cũng thấp hơn), ngôn ngữ (các trường ở nhưng nơi dùng tiếng Anh có thể có chỉ số trích dẫn cao hơn), hoặc có một số trường hợp như một số trường được đầu tư mạnh hoặc phát triển với tốc độ nhanh hơn so với các trường còn lại cùng khu vực,… . Ranking của trường theo vùng nếu có (lưu ý có thể khác với ranking toàn quốc/thế giới vì mỗi vùng có thể có những tiêu chí/lựa chọn/nhu cầu tuyển dụng khác nhau). Nếu có thể tìm được ranking theo subject thì càng tốt. 

Ngôn ngữ sử dụng? Một số quốc gia không nói tiếng Anh thì thường ở những bậc học thấp (under) sẽ ít chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, nhưng lên những bậc cao hơn (postgraduate) thì sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Ngoài ra cần lưu ý đến xu hướng chuyển dịch ngôn ngữ ở những nước đó (ví dụ các nước như Đức ngày càng có nhiều chương trình đào tạo bằng tiếng Anh hơn, thay vì chỉ tiếng Đức như trước kia).

Hệ thống giáo dục và giá trị văn bằng ở những quốc gia đó. Một số ví dụ:

-  Với học sinh ở các lứa phổ thông: cần tìm hiểu hệ thống giáo dục bắt buộc/phổ thông ở đó bao nhiêu năm? Cấu trúc phân chia thế nào? Trong hệ thống đó giáo dục cơ sở (hoặc bắt buộc) là bao nhiêu năm?

-  Với sinh viên undergraduate : tìm hiểu xem chương trình undergraduate của mình sẽ kéo dài trong bao lâu (1 năm Top-up/2 năm Fast-track/3 năm/3 năm + 1 năm Msc hoặc thực tập/ 4 năm/ 5 năm hoặc hơn đối với các khối ngành như Medical). Ngoài ra cũng phải lưu ý một số chi tiết như : bằng Honours hay Original Degree (đối với một số nước thuộc khối Liên hiệp Anh hoặc phần nào ảnh hưởng hệ thống giáo dục của Anh như Anh, Úc, New Zealand, Ireland, Wales, Scotland, Malaysia,… hoặc một số chương trình liên kết đào tạo ở những nước khác với các trường thuộc các nước kể trên) ; phân biệt Honours ở các nước (Ví dụ phần lớn các trường ở Anh cung cấp chương trình Honours trong 3 năm, và chương trình Honours đó sẽ thuộc dạng under, trong khi ở những nước như Úc, New Zealand thì chương trình Honours ở năm 4 và được tính thuộc dạng graduate, và chỉ những sinh viên hoàn tất 3 năm với kết quả tốt mới được apply ; một số nước khác lại xem Honours chỉ đơn thuần như là một danh hiệu dành cho sinh viên xuất sắc, hoặc các chương trình/lớp tiên tiến…)

-  Với sinh viên/nghiên cứu sinh graduate: Lưu ý sẽ có những tùy chọn rút ngắn thời gian. Ví dụ: Các chương trình Master học trong vòng 1 năm (thay vì 2 năm); tùy chọn cho những sinh viên tốt nghiệp với bằng Honours học thẳng lên PhD không cần thông qua Master (tuy nhiên một số chương trình dạng này thuộc loại included Master, nghĩa là gộp chung Master với PhD và vẫn cần thời gian tương tự như Master + PhD); một số chương trình PhD chỉ yêu cầu 2 năm (trên lý thuyết, thực tế còn tùy vào người làm PhD).

Trường công hay trường tư ? Tùy thuộc vào nhiều yếu tố:

-  Bản thân (nguyện vọng, khả năng tài chính,…).

-  Phân bố giáo dục: Các phương tiện truyền thông dễ gây hiểu nhầm rằng các nước phát triển đều tập trung phát triển hệ thống trường tư.Trên thực tế việc phân bố cũng như quan niệm, mức độ ảnh hưởng của cả 2 hệ thống ở các nước rất khác nhau. Chưa kể đến còn nhiều dạng phân bố như profit, non-profit… người học cần xem xét kĩ trước khi ra quyết định.

Accredited:

Dù học ơ đâu chăng nữa thì người học cần đảm bảo chương trình học mình chọn đều có status “accredited”, lưu ý accredited khác với approved (được phê chuẩn hoạt động). Do có nhiều chương trình được approved nhưng không hề qua quá trình accreditation, dẫn đến bằng cấp xem như vô giá trị (unaccredited, hoặc tệ hơn là diploma mill).

Ranking:

Trên thế giới hiện tại có nhiều hệ thống xếp hạng Đại học khác nhau, nhưng có một số điều cần xem xét:

Bảng xếp hạng nào uy tín? Xác định được các tiêu chuẩn, chỉ số xếp hạng của bảng xếp hạng đó (ngoài ra cần đến trọng số nhưng không có bảng xếp hạng nào công bố phương pháp xác định trọng số của họ nên có thể bỏ qua yếu tố này). Đối với tiêu chuẩn thì các nhóm xếp hạng phân ra theo thành tích nghiên cứu khoa học, nhóm thì nhờ đồng nghiệp đánh giá, nhóm thì dựa vào giảng dạy làm tiêu chuẩn chính, có nhóm đánh giá đến mức độ ảnh hưởng trong tuyển dụng. Còn đối với chỉ số thì chỉ số trích dẫn là quan trọng nhất (theo hướng research cần lưu ý). Ngoài phương pháp ra thì chất lượng dữ liệu thu thập được của các nhóm xếp hạng cũng rất khác nhau. 3 bảng xếp hạng khuyên dùng cho người học là của các nhóm QS, THES (The Times Higher Education Supplement, trước đây hợp tác với QS, hiện tại đã tách ra), và nhóm Leiden (nhóm này ít được chú ý đến nhưng phương pháp tính tốt nhất). Còn các nhóm như Webometrics và thậm chí nhóm xếp hạng trường Đại học Giao thông vận tải Thượng Hải thì có quá nhiều sai sót cả về chất lượng dữ liệu lẫn phương pháp. (BXH của ĐH GTVT Thượng Hải thường được truyền thông trong nước nhắc đến như BXH uy tín, nhưng trên thực tế nhóm này phạm rất nhiều sai sót về phương pháp thống kê, ngay cả chính họ cũng thừa nhận điều này). Lưu ý là các BXH chỉ có giá trị tham khảo.

Học phí:

Tìm hiểu về chính sách học phí của từng vùng, từng trường, các cơ hội học bổng, miễn giảm, cho vay học phí, giảm trừ gia cảnh (scholarship, grant, loan,..).

Chọn hướng tiếp cận

Đối với ngành đã chọn, người học cần xác định rõ mục tiêu của mình để từ đó có hướng tiếp cận phù hợp. Hai hướng tiếp cận cơ bản cho hầu hết các ngành học:

-  Hướng industrial (hoặc cũng có thể tạm xem là hướng tham gia thị trường lao động sau khi tốt nghiệp): Đây là lựa chọn của phần lớn người học. Do sẽ tham gia thị trường lao động sau khi tốt nghiệp nên người học cần quan tâm đến những vấn đề đã nêu ở phần chọn ngành (thị trường lao động, cơ cấu ngành nghề, thu nhập,…). Ngoài ra khi chọn trường người học cần chú ý đến những yếu tố như: đối tác (doanh nghiệp) của trường, các chương trình internship/hỗ trợ việc làm (viết CV, chuẩn bị hồ sơ phỏng vấn, giới thiệu việc làm,…) của trường. Tích cực tham gia các chương trình hoạt đông xã hội/tập thể. Ngoài ra cần chú ý một số yếu tố khác như luật lao động, thủ tục/hồ sơ để có giấy phép lao động.

-  Hướng academic/research: Cần đặc biệc chú ý đến cách tiếp cận, lựa chọn giảng viên do giảng viên sẽ là những người hỗ trợ về LoR (Letter of Recommendation). Nếu giảng viên là professor dạng đầu ngành (thường đa số có PhD) thì LoR sẽ càng có giá trị, thậm chí impact (mức ảnh hưởng) có thể  lớn hơn GPA (điểm trung bình), tất nhiên cần chú ý sử dụng một số thủ thuật khi xin LoR (ví dụ như khi xin LoR có thể ghi thêm một số trường mà người học không dự định apply để có thể biết nội dung LoR, tránh trường hợp gửi hàng loạt trường cùng lúc vì trong nội dung LoR có thể giảng viên đánh giá xấu về người học). Ngoài ra cần chú ý đến GPA (thông thường yêu cầu trên 70%, hoặc upper-second class đối với các chương trình Honours). Sinh viên theo hướng research cũng cần tham gia làm việc, trợ giúp ở lab, tham gia các project làm research, viết pub, tham gia conference (có thể tận dụng để làm quen với các giáo sư, qua đó thuận tiện hơn cho việc xin LoR sau này). Lưu ý là luôn có tình trạng phân biệt ở nhiều hình thức khác nhau trong giới khoa học, ví dụ như phân biệt chủng tộc (tỉ lệ reject bài báo ở các nước châu Á luôn cao hơn so với các nước phương Tây, ngay cả khi reputation lẫn ranking của trường ở châu Á cao hơn trường bên phương Tây), phân biệt giới tính, thậm chí phân biệt đối với bài báo đến từ các nước không nói tiếng Anh….

Plagiarism

Việc check plagiarism ở các trường Đại học lớn trên thế giới là điều bắt buộc, người học nên tìm hiểu về các công cụ (tool) hỗ trợ check plagiarism, thông tin về các case và các sai lầm thường mắc phải dẫn đến plagiarism (nhiều trường hợp không cố tình nhưng lại vướng phải những rào cản như ngôn ngữ, hoặc thiếu thông tin về các trường hợp self-plagiarism).

Tìm hiểu về cơ sở vật chất, hỗ trợ từ nhà trường

Tìm kiếm thông tin (qua website của trường, search engine, YouTube, các forum về du học hoặc sinh viên trong trường, kinh nghiệm người đi trước…) về các campus của trường (sầm uất hay khu biệt lập, yên tĩnh tùy vào nhu cầu bản thân), hệ thống phòng lab cho các môn học, các chương trình hỗ trợ cho sinh viên (hỗ trợ mua trang thiết bị hỗ trợ học tập, license hay account phần mềm, sách…)

Kì nhập học và thời gian du học

Trường có bao nhiêu kì nhập học? Xác định rõ thời gian nhập học cũng như thời điểm bắt đầu và kết thúc nhận hồ sơ. Nếu có thêm nhu cầu học tiếng thì cần tính toán thời gian lùi lại. Sẽ du học trong bao lâu? Sau khi học xong có được ở lại không? Nếu được thì bao nhiêu năm? Học bao lâu trở về nước làm việc?

Ngoại ngữ

Người học cần chuẩn bị vốn ngoại ngữ trước khi lên đường du học. Ngoại ngữ tốt sẽ thuận tiện hơn trong học tập, sinh hoạt hằng ngày và cũng là lợi thế khi xin visa.

Văn hóa của từng vùng: con người, thời tiết/khí hậu, giao tiếp, tranh luận, tôn giáo, phong tục tập quán, văn hóa vùng miền, các lễ hội/sự kiện,…. Cần xem xét liệu bản thân có phù hợp với nền văn hóa đó không (tránh tình trạng như shock văn hóa, trầm cảm, hay nguy hiển hơn cả là các triệu chứng như inferiority complex). Tích cực tham gia các hoạt đông sinh hoạt tập thể/văn hóa của vùng.

Sinh hoạt

Nhà ở : Từ nhu cầu bản thân và khả năng tài chính để chọn loại hình nhà ở (kí túc xá, nhà ghép, homestay, căn hộ,… ) phù hợp, có thể liên hệ với trường, trung tâm tư vấn, người quen, hoặc tìm đến các forum, trang mạng xã hội của du học sinh để nhờ hỗ trợ. Một số vấn đề cần quan tâm : Hợp đồng (ràng buộc 1 tháng, 3 tháng hay 1 năm, nếu không yêu cầu ràng buộc thì càng tốt) ; Gần trường hay xa trường (để thuận tiện cho đi lại) ; An ninh ; Tính riêng tư ; Ở phòng đơn hay ghép với nhiều người ; Các tiện nghi/tiện ích xung quanh khu vực thuê (siêu thị, chợ, cửa hàng, trạm/bến xe/tàu,…) ; Có cho nấu ăn không ? ; Vệ sinh; Nhà tắm; Các chi phí sinh hoạt như điện, nước, điện thoại, Internet… đã bao gồm chưa? Khu vực thuê ở nơi sầm uất hay xa trung tâm (ở những nơi xa khu trung tâm sẽ có giá thuê rẻ hơn)? Nên dùng máy ảnh để chụp hiện trạng trước khi quyết định thuê, tránh những rắc rối về sau.

Ăn uống: Tìm hiểu trước về ẩm thực của nơi mà mình dự định đến thông qua báo đài, Internet. Xác định trước tự nấu ăn (có thể tham khảo ý kiến người khác trong việc chọn lựa nơi mua hàng, ngoài ra cần lưu ý khi chọn chỗ ở để đảm bảo chỗ thuê được phép nấu ăn) hay ăn ngoài (tiện lợi nhưng sẽ tốn nhiều chi phí, ngoài ra có thể khẩu vị không phù hợp). Có thể chuẩn bị trước một số thức ăn khô/đóng gói để mang theo dùng trong thời gian đầu du học (theo quy định của bên hàng không).

Các nhu cầu sinh hoạt khác: Thông tin liên lạc (điện thoại, Internet), đi lại (bus, MRT, car…), các nhu cầu giải trí (du lịch, xem phim, shopping…)

Tiền tệ: tìm hiểu về loại tiền tệ sử dụng ở nơi mình muốn đến, tỉ giá, các hình thức thanh toán…

Tính toán chi phí: Học phí ; Thuế ;Chi phí và thời gian cho các loại giấy tờ, thủ tục (visa, các loại giấy tờ,…) ; Vé máy bay (lưu ý cả thời gian bay, tiêu chuẩn tiện nghi – hạng ghế của các hãng hàng không, trạm quá cảnh, giới hạn trọng lượng hành lý,…) ; Mức sinh hoạt phí chung ở vùng theo học (nhà ở, đi lại, tiền ăn, giá cả các loại hàng hóa,…). Ngoài ra cần xác định rõ những nhu cầu riêng của bản thân để tính toán vào chi phí.

Quy định làm thêm: Tìm hiểu rõ thông tin về quy định làm thêm cho du học sinh (Có cấm làm thêm không ? Giới hạn bao nhiêu giờ/tuần? Mùa/ngày nghỉ hoặc lễ có làm thêm giờ không? ) và kinh nghiệm làm thêm (thu nhập trung bình, môi trường làm việc, giờ làm việc…). Cần xác định rõ mình sẽ thu được gì (thu nhập, kinh nghiệm, trải nghiệm, cơ hội tiếp xúc với người bản địa…) và mất gì (thời gian, công sức,…) nếu tham gia làm thêm.

Việc làm sau khi tốt nghiệp

Tùy thuộc vào hướng tiếp cận (research hoặc industrial). Lưu ý quy định của quốc gia mình chọn học cho phép người học ở lại trong bao nhiêu năm (có thể khác nhau tùy theo bậc học). Tìm kiếm cơ hội việc làm, internship thông qua các đối tác của trường giới thiệu, người quen, các phương tiện truyền thông, các website chuyên về việc làm (CareerBuilder, Monster… chú ý về các điều khoản bảo mật thông tin khi sử dụng), các social network chuyên về việc làm (LinkedIn). Nếu đủ điều kiện (vật chất, đối tác, bạn bè cùng chí hướng, nhà tài trợ, điều kiện pháp lý…) có thể làm startup. Hoặc quay trở về nước làm việc (tìm hiểu mặt bằng thu nhập chung dành cho du học sinh về nước).

Network

Dù theo hướng tiếp cận nào đi nữa thì cũng cần phải mở rộng network của mình. Ví dụ có thể xin việc thông qua giới thiệu từ bạn bè, người quen, hoặc theo hướng research cũng tương tự, sẽ dễ làm quen với các giáo sư hoặc những nhà tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu. Người học cần chủ động tham gia các hoạt động, sự kiện, sinh hoạt tập thể.

Học bổng

Tìm hiểu qua báo đài, Internet về các loại học bổng. Cần chú ý về nguồn học bổng (chính phủ, nhà trường, hoặc tổ chức, công ty, cá nhân tài trợ), các loại học bổng (học bổng, cho vay, hỗ trợ tài chính…) các hình thức ràng buộc (nếu có). Có thể tận dụng những website chuyên về tìm kiếm học bổng để lọc thông tin nhanh và phù hợp với mình hơn (học bổng dành cho quốc gia, khu vực, trình độ nào), các website của những trường mà mình định apply, hoặc tham khảo từ những người đã từng/đang trong quá trình tìm kiếm học bổng.

Chuẩn bị giấy tờ

Passport, visa, thư mời nhập học, bảng điểm, chứng minh tài chính (cần tham khảo quy định chứng minh tài chính tối thiểu ở các nước), các loại giấy tờ khác được công chứng…

 

Blue Ocean


ĐỐI TÁC