Thị thực du học Tây Ban Nha cần trải qua các bước theo quy trình dưới đây:
1. Nộp hồ sơ xin thị thực
Hồ sơ bao gồm đơn xin thị thực theo mẫu được đương sự khai đầy đủ và ký trên đó. Mẫu đơn duy nhất được chấp nhận là mẫu đơn chính thức bằng tiếng Tây Ban Nha hoặc tiếng Anh.
Khi khai đơn, đương sự phải khai thông tin bằng tiếng Anh hoặc tiếng Tây Ban Nha. Việc đương sự khai đơn bằng tiếng Việt hoặc bằng một ngôn ngữ nào khác ngoài hai thứ tiếng trên sẽ không được chấp nhận.
Trường hợp nhiều người xin thị thực đi thành một nhóm, mỗi thành viên trong đoàn sẽ phải khai riêng tờ khai và ký trên đó.
Chú ý nhớ ghi ngày tháng và ký tên trên tờ khai.
Đối với trường hợp trẻ nhỏ, tờ khai sẽ do bố, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của trẻ ký tên, và người đại diện này sẽ phải trình chứng minh thư hoặc hộ chiếu của mình kèm giấy khai sinh của trẻ hoặc giấy tờ chứng minh việc đại diện hợp pháp. Cần chú ý rằng những giấy tờ công nước ngoài bao gồm giấy khai sinh, giấy chứng nhận giám hộ, và các loại giấy tờ chứng nhận quyền đại diện hợp pháp nếu được cấp bởi một nước khác không phải là Tây Ban Nha sẽ phải được hợp pháp hóa lãnh sự (hoặc đóng dấu Apostille trong trường hợp nước nơi giấy tờ đó được cấp là thành viên của Công ước La Hay) và phải được dịch sang tiếng Tây Ban Nha hoặc tiếng Anh.
Lấy thông tin sinh trắc
Khi nộp đơn xin thị thực, đương sự sẽ phải thực hiện thủ tục chụp ảnh khuôn mặt. Ảnh là yếu tố cơ bản trong hồ sơ xin thị thực, vì vậy, đơn xin thị thực sẽ không được chấp nhận xét duyệt nếu thiếu ảnh trong hồ sơ.
Hộ chiếu hoặc giấy thông hành
Cùng với tờ khai và ảnh, người xin thị thực cần nộp hộ chiếu hoặc giấy thông hành. Thời hạn tối thiểu còn hiệu lực của hộ chiếu hoặc giấy thông hành được quy định như sau:
- Đối với các đơn xin thị thực lưu trú với mục đích du học hoặc đoàn tụ gia đình với lưu học sinh, hộ chiếu hoặc giấy thông hành của đương sự cần còn hiệu lực ít nhất cho khoảng thời gian dự kiến lưu trú.
- Đối với các đơn xin thị thực cư trú mục đích đoàn tụ gia đình theo chế độ thông thường, đoàn tụ gia đình đối với trẻ được nhận làm con nuôi và đối với tất cả các loại đơn xin thị thực với mục đích cư trú và làm việc, thời hạn được quy định là 4 tháng (chú ý trường hợp đoàn tụ với thân nhân là công dân châu Âu các quy định này không áp dụng quy định về hiệu lực này mà áp dụng theo các quy định về hiệu lực hộ chiếu/ giấy thông hành dành cho thị thực đồng nhất).
- Đối với các đơn xin thị thực cư trú vì mục đích phi lợi nhuận và thị thực tạm trú không cần giấy phép lao động: thời hạn được quy định là một năm.
Yêu cầu bổ sung đối với các đơn xin thị thực lưu trú vì mục đích du học là hộ chiếu phải còn ít nhất 2 trang trắng và được cấp trong vòng 10 năm trở lại đây. Đây là yêu cầu bắt buộc để được chấp nhận xét duyệt hồ sơ.
Trong mọi trường hợp, cùng với hộ chiếu hoặc giấy thông hành, đương sự cần nộp một bản phô tô khổ A4 trang có thông tin cá nhân của hộ chiếu hoặc giấy thông hành, và tất cả các trang có thông tin thị thực trước đó, các trang có dấu xuất nhập cảnh hoặc có chứa các thông tin ghi chú khác nhau.
Các giấy tờ bổ sung
Cùng với đơn xin thị thực, đương sự cần nộp thêm các loại giấy tờ sau:
- Các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện cần thiết để được lưu trú vì mục đích du học
- Đặt vé máy bay: Hồ sơ xin thị thực chỉ cần đặt vé, không cần vé. Một khi đơn xin thị thực đã được chấp nhận, tùy từng trường hợp Sứ quán có thể yêu cầu đương sự trình vé đã mua trước khi thực hiện cấp (nhưng trước đó khi nộp hồ sơ thì không cần). Riêng đối với trường hợp xin thị thực lưu trú vì mục đích du học:
+ Trường hợp lưu trú trên 6 tháng chỉ cần nộp đặt vé chiều đi, còn trường hợp lưu trú không vượt quá 6 tháng phải nộp đặt vé khứ hồi;
+ Đối với các khóa học lưu động hoặc có nhiều điểm đến, người xin thị thực cần nộp và ký giấy ghi rõ chi tiết và trình tự lộ trình dự kiến, thông tin và thời gian các chuyến bay, mục đích lưu trú tại mỗi điểm đến và thông tin chỗ ở tại các điểm đến đó.
- Điều khoản áp dụng riêng đối với các trường hợp cư trú hoặc lưu trú trên 6 tháng:
+ Giấy chứng nhận sức khỏe, trong đó nêu nguyên văn “người xin thị thực không mắc bất cứ loại bệnh nào có thể có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng, thể theo quy định tại Điều lệ Y tế Quốc tế năm 2005” Các giấy chứng nhận sức khỏe không có kết luận nêu trên sẽ không được chấp nhận;
+ Các trường hợp trên 16 tuổi cần nộp phiếu lý lịch tư pháp được cấp bởi (các) quốc gia nơi người xin thị thực đã từng cư trú trong vòng 5 năm trở lại đây, trong đó có ghi đương sự không có án tích về các tội danh có quy định trong luật pháp Tây Ban Nha. Trường hợp cư trú tại nhiều nước khác nhau cần nộp phiếu lý lịch tư pháp được cấp bởi tất cả các quốc gia đó.
Ngoài những giấy tờ bắt buộc, người xin thị thực có quyền nộp thêm bất cứ giấy tờ nào được cho là cần thiết cho hồ sơ. Tương tự như vậy, Đại sứ quán cũng có thể yêu cầu đương đơn nộp bổ sung thêm các giấy tờ được cho là cần thiết, hoặc cũng có thể yêu cầu phỏng vấn trực tiếp đối với đương đơn.
Hồ sơ xin thị thực khi nộp cần phải được sắp xếp theo đúng thứ tự đã ghi ở trên. Bản gốc của từng loại giấy tờ cần phải được trình kèm và đặt ngay trước bản phô tô của giấy tờ đó (bản phô tô phải rõ ràng và đầy đủ các trang như trong bản gốc). Bản gốc sẽ được trả lại cho đương sự sau khi kết thúc thủ tục. Trong trường hợp không trình được bản gốc trong hồ sơ, đương sự cần nộp bản sao y bản chính của giấy tờ đó, và bản sao y bản chính này bắt buộc phải có dấu chứng nhận lãnh sự của Bộ Ngoại giao. Đương sự sẽ không được trả lại một số các giấy tờ được đề gửi trực tiếp cho Đại sứ quán hoặc cho đại diện Đại sứ quán (thư giới thiệu, hoặc thư giải trình thêm về hồ sơ không đề gửi tên đương sự mà đề gửi Đại sứ quán, v.v.), và do đó đương sự không cần nộp kèm bản phô tô của các giấy tờ này. Trong trường hợp không nộp bản phô tô của các giấy tờ trong hồ sơ, Sứ quán sẽ tự hiểu là đương sự không cần lấy lại bản gốc.
Tất cả các giấy tờ công không phải do Tây Ban Nha cấp phải được hợp pháp hóa lãnh sự trước đó. Các văn bản có nội dung bằng một ngôn ngữ khác không phải là tiếng Anh hoặc tiếng Tây Ban Nha cần phải được nộp kèm bản dịch ra một trong hai ngôn ngữ này, và bản dịch này phải là bản dịch được dịch bởi một công chứng viên hoặc phòng dịch thuật được công nhận bởi các cơ quan chính thức. Bản dịch cũng phải được hợp pháp hóa lãnh sự và xếp ngay trước bản phô tô của giấy tờ gốc đó trong hồ sơ. Các giấy tờ chung của một nhóm nhiều người xin thị thực cần phải được phô tô và để vào hồ sơ của từng người.
Nộp hồ sơ khi nào ?
- Đối với các trường hợp xin lưu trú vì mục đích du học: trong vòng 3 tháng trước ngày dự định đi. Sứ quán có thể từ chối xét duyệt hồ sơ nếu đương sự không nộp trong khoảng thời gian 3 tháng nêu trên.
- Đối với trường hợp tạm trú vì mục đích đoàn tụ gia đình: trong khoảng thời gian tối đa 2 tháng kể từ ngày đương đơn nhận được thông báo trả lời về giấy phép cho tạm trú vì mục đích đoàn tụ gia đình.
- Đối với trường hợp tạm trú và lao động: trong khoảng thời gian tối đa 1 tháng kể từ ngày chủ lao động nhận được thông báo trả lời về giấy phép cho tạm trú và lao động.
Nộp hồ sơ ở đâu ?
Trong mọi trường hợp, hồ sơ xin thị thực cần được nộp tại Bộ phận Lãnh sự Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Hà Nội, trong giờ tiếp khách và không cần phải đặt hẹn trước.
Đương đơn phải trực tiếp đến nộp hồ sơ, không nộp qua người đại diện, hãng du lịch hay qua bất cứ bên trung gian nào. Nếu đương sự là trẻ nhỏ cần đi kèm bố, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp và người này sẽ phải trình chứng minh thư hoặc hộ chiếu và trình giấy khai sinh của trẻ hoặc giấy chứng nhận quyền đại diện hợp pháp. Trong trường hợp trẻ nhỏ chỉ đi cùng người đại diện là một trong hai người bố hoặc mẹ, cần phải nộp thêm giấy ủy quyền của người kia đồng ý cho phép trẻ ra nước ngoài và nộp kèm một bản phô tô chứng minh thư hoặc hộ chiếu của người đó.
Lệ phí thị thực
Khi nộp hồ sơ xin thị thực đương sự cần nộp lệ phí xét duyệt thị thực hiện hành (số 14 trong bảng lệ phí). Vui lòng chú ý rằng lệ phí này sẽ không được hoàn lại kể cả khi thị thực bị từ chối, trừ trường hợp Sứ quán từ chối nhận hồ sơ với các lý do được nêu trong phần sau.
Mức lệ phí thị thực du học đang áp dụng hiện nay là 60 Euro/ hồ sơ.
Các công dân Canada, Mỹ và Bangladesh sẽ được áp dụng mức giá cao hơn theo nguyên tắc có đi có lại. Nếu bạn là công dân một trong các nước này, vui lòng hỏi trực tiếp tại bộ phận tiếp khách hoặc gửi thư điện tử cho chúng tôi để biết thêm thông tin về vấn đề này.
Các trường hợp được miễn lệ phí xét duyệt thị thực:
- Các trường hợp được miễn nói chung có trong điều 5 Luật 9/2011 ngày 10 tháng 5 về các lệ phí lãnh sự (bản tiếng Tây Ban Nha),
- Người mang hộ chiếu ngoại giao hoặc công vụ xin thị thực đi nhiệm kỳ tại Cơ quan Đại diện ngoại giao của quốc gia của người xin thị thực tại Tây Ban Nha,
- Các nhà chức trách dân sự hoặc quân sự của các cơ quan hành chính quốc gia của nước ngoài đến Tây Ban Nha để thực hiện các hoạt động theo các thỏa thuận hợp tác với Nhà nước Tây Ban Nha,
- Những người thuộc diện được phép tị nạn tại Tây Ban Nha,
- Các nhà khoa học, kỹ thuật viên nước ngoài được mời hoặc ký kết hợp đồng với Nhà nước Tây Ban Nha,
- Các trường hợp nhận học bổng của Cơ quan Quản lý Nhà nước,
- Công dân các quốc gia đã ký Hiệp định miễn thị thực với Tây Ban Nha: Andorra, Chi lê, Colombia, Hàn Quốc, Costa Rica, Crô-a-ti-a, El Salvador, Honduras, Nhật Bản, Nicaragua, Panama, Paraguay và San Marino.
Các loại lệ phí có thể thay đổi theo từng kỳ mà không báo trước.
Đại sứ quán sẽ từ chối nhận hồ sơ trong trường hợp đương sự không đóng lệ phí bắt buộc.
Xem tại đây thông tin chung về các lệ phí lãnh sự.
2. Thủ tục nhận hồ sơ:
Trước khi bắt đầu xét duyệt hồ sơ, Đại sứ quán sẽ thông báo việc quyết định nhận hồ sơ đó.
Đại sứ quán có thể từ chối nhận hồ sơ trong các trường hợp sau đây:
- Người xin thị thực không đủ cơ sở pháp lý hoặc không có đủ giấy tờ chứng minh quyền đại diện,
- Nộp hồ sơ không đúng hạn quy định,
- Nộp lại đơn xin thị thực đã bị từ chối trước đó nếu các lý do dẫn đến việc từ chối thị thực đó không thay đổi,
- Khi đang có một thủ tục hành chính mang tính xử phạt mà trong đó có thể có đề nghị trục xuất đối với người xin thị thực hoặc có lệnh trục xuất tư pháp hoặc trục xuất hành chính đối với người xin thị thực, trừ trường hợp lệnh trục xuất hành chính đó đã bị hủy bỏ hoặc nằm trong phạm vi điều chỉnh của các điều 31 bis, 59, 59 bis hoặc 68.3 của Luật Tổ chức 4/2000 ngày 11 tháng Giêng về các quyền, sự tự do và hòa nhập xã hội của người nước ngoài tại Tây Ban Nha,
- Khi người xin thị thực bị cấm nhập cảnh vào Tây Ban Nha,
- Khi đơn xin thị thực thiếu các yếu tố cơ sở,
- Khi đương sự là người nước ngoài đang ở trái phép tại lãnh thổ Tây Ban Nha , trừ khi trường hợp này nằm trong phạm vi điều chỉnh của Khoản 3, Điều 31 Luật Tổ chức 4/2000 ngày 11 tháng 1 về các quyền, sự tự do và hòa nhập xã hội của người nước ngoài tại Tây Ban Nha,
- Khi đương đơn không trực tiếp đến nộp hồ sơ theo quy định.
Ngoài ra, các đơn xin thị thực lưu trú vì mục đích du học cũng có một số lý do cụ thể để từ chối chấp nhận hồ sơ (được nêu rõ tại trang hướng dẫn tương ứng). Nhấp vào đây để xem thông tin này.
Một khi không được chấp nhận, toàn bộ hồ sơ bao gồm tờ khai xin thị thực và các giấy tờ đi kèm sẽ được trả lại cho đương sự, lệ phí xét duyệt thị thực cũng sẽ được hoàn trả và Sứ quán sẽ ngừng việc xét duyệt hồ sơ.
Phần tiếp theo là phần dành cho việc xét duyệt hồ sơ và thủ tục bổ sung giấy tờ trong trường hợp cần thiết.
3.- Thủ tục bổ sung hồ sơ
Thủ tục bổ sung chỉ xảy ra khi Đại sứ quán cho rằng đương sự vẫn chưa nộp đủ các giấy tờ bắt buộc, hoặc sau khi đã xem hồ sơ và thấy rằng việc yêu cầu bổ sung thêm giấy tờ hoặc yêu cầu phỏng vấn đối với đương sự là cần thiết. Trong các trường hợp này người xin thị thực sẽ được thông báo về các yêu cầu đó và sẽ có 10 ngày làm việc để bổ sung giấy tờ còn thiếu hoặc sẽ được đặt hẹn một ngày nhất định để đến phỏng vấn.
Nếu qua thời hạn trên mà người xin thị thực không bổ sung giấy tờ hay không giải thích được lý do không nộp được giấy tờ đó, hoặc không đến phỏng vấn theo như lịch hẹn, Đại sứ quán sẽ tự hiểu là đương sự muốn rút hồ sơ xin thị thực, và sẽ làm một quyết định cho rút hồ sơ trên cơ sở đó, sau đó thông báo cho đương sự, lưu hồ sơ và dừng mọi thủ tục có liên quan.
4.- Xét duyệt hồ sơ:
Hồ sơ khi đã nộp đầy đủ sẽ được chuyển sang giai đoạn xét duyệt nhằm mục đích kiểm tra xem người xin thị thực có đạt đủ các yêu cầu về mặt quy chế và pháp lý hay có lý do dẫn đến việc đương sự bị từ chối tiếp nhận hồ sơ hoặc từ chối thị thực hay không. Thị thực sẽ bị từ chối khi người xin thị thực không chứng minh được nhân thân, hiệu lực của các giấy tờ hoặc tính chân thực của mục đích xin thị thực. Ngoài ra mỗi loại thị thực còn có một số các lý do dẫn đến việc từ chối riêng, và chỉ cần một trong số các lý do này cũng dẫn đến việc từ chối thị thực.
Hồ sơ sẽ được giải quyết theo quy định chung, trong thời hạn tối đa là 1 tháng, tính từ ngày tiếp sau ngày nộp hồ sơ tại Đại sứ quán. Nếu qua thời hạn xét duyệt mà vẫn chưa có kết quả, có thể tự hiểu là thị thực đó đã bị từ chối. Chú ý: việc bổ sung giấy tờ có thể làm gián đoạn thời hạn xét duyệt nói trên, và thời hạn này sẽ được tính tiếp khi các giấy tờ đã được nộp đầy đủ.
5. Kết quả và thông báo kết quả:
Sau khi xét duyệt hồ sơ, người phụ trách bộ phận thị thực của Sứ quán sẽ quyết định kết quả xét duyệt và thông báo kết quả đó cho người xin thị thực. Thời hạn tối đa để quyết định và thông báo kết quả phụ thuộc vào từng loại thị thực.
Đương sự sẽ nhận được thư điện tử thông báo về việc đơn xin thị thực đã có kết quả và được mời trực tiếp đến sứ quán hoặc làm giấy ủy quyền cho người khác đến sứ quán nhận lại hộ chiếu và kết quả thị thực. Ngày thực sự tới nhận kết quả sẽ được tính là ngày nhận được thông báo kết quả để tính thời gian nộp kháng nghị.
Trong trường hợp thị thực được cấp, tem thị thực sẽ được dán lên hộ chiếu hoặc giấy thông hành của người xin thị thực. Thị thực được cấp sẽ có nhiều lần vào và số ngày được cấp sẽ phụ thuộc vào từng loại thị thực.
Trong trường hợp thị thực bị từ chối, đương sự sẽ nhận quyết định từ chối theo mẫu chính thức, trong đó có nêu rõ lý do hoặc nhiều lý do dẫn đến việc từ chối và liệu quyết định đó có kết thúc các thủ tục hành chính hay không, cũng như nêu rõ thông tin về việc nộp đơn kháng nghị lại kết quả xét duyệt, các cơ quan có thẩm quyền và thời hạn nhận đơn kháng nghị.
6. Nhận kết quả thị thực:
LƯU Ý rằng thị thực chỉ là một trong các điều kiện để được nhập cảnh vào Tây Ban Nha, do đó, các nhà chức trách có thẩm quyền tại cửa khẩu có thể yêu cầu đương sự trình bất cứ giấy tờ nào có liên quan để chứng minh việc đương sự hội tụ đầy đủ các điều kiện để được nhập cảnh.
LƯU Ý: TRONG TRƯỜNG HỢP KHÔNG CHỨNG MINH ĐƯỢC MỘT TRONG CÁC YÊU CẦU ĐÓ, CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN TẠI CỬA KHẨU CÓ THỂ TỪ CHỐI CHO ĐƯƠNG SỰ NHẬP CẢNH VÀO LÃNH THỔ SCHENGEN
(Nguồn: Đại sứ quấn Tây Ban Nha tại Hà Nội http://www.exteriores.gob.es/ )