Hotline : 0967 057 711 - 0967 027 711 - 0963 779 771

Facebook Live Chat

[Câu chuyện về Canada của tôi] - Phần 3: Chúng tôi tìm việc như thế nào tại Canada?

Vậy là đã tròn 7 tháng gia đình tôi bắt đầu cuộc sống mới tại Toronto, Canada. Giờ này hai năm trước, Canada vẫn là một cái tên thật xa vời, một miền đất hứa mà tôi vẫn thấy người ta ca ngợi trong sách báo, nhưng chưa từng mơ đến chuyện đặt chân đến. Vậy mà giờ đây, nhìn lại 7 tháng đầy những trải nghiệm mới, đầy nỗ lực, hai vợ chồng và anh chàng 3 tuổi đã phần nào đặt được những viên gạch đầu tiên cho cuộc sống trên vùng đất hứa này. Có lẽ vì những dấu mốc quan trọng đến với chúng tôi quá dồn dập và chớp nhoáng, tôi muốn viết lại "Câu chuyện về Canada của tôi", ghi lại phần nào những trải nghiệm ấy, để chia sẻ, để ghi nhớ và để có động lực phấn đấu cho những giấc mơ về sau này.

Những dấu mốc quan trọng nhất trong Hành trình tiến tới giấc mơ Canada của chúng tôi:

  1. Bắt đầu "ủ mưu": tháng 5/2016
  2. Quyết định theo đuổi giấc mơ Canada: 11/2016
  3. Nộp hồ sơ Express Entry: 4/2017
  4. Nhận được thường trú nhân và visa Canada: 8/2017
  5. Đặt chân đến Toronto: 9/2017
  6. Hai vợ chồng cùng nhận được job offer: 22/11/2017
  7. Mua ô tô: 12/2017
  8. Mua căn nhà đầu tiên: 10/4/2018

To be continued...

Phần 3: Chúng tôi tìm việc như thế nào?

Hôm qua gia đình tôi vừa đi gặp một gia đình trẻ khác cũng mới qua Toronto theo diện Tay nghề. Nói chuyện với các bạn ấy mà thấy nhớ lại cái hồi mình còn chân ướt chân ráo mới qua (mới có 6 tháng chớ mấy :P), vẫn còn rất sung sức và háo hức với công cuộc săn việc. Các bạn ấy cũng giúp tôi phần nào có thêm động lực để chia sẻ lại những gì chúng tôi đã trải qua trong gần 2 tháng lăn lộn, lùng sục để cuối cùng tìm được công việc như ý hiện nay 🙂

Chúng tôi tìm việc như thế nào tại Canada

Tìm được một công việc phù hợp không chỉ là thử thách lớn nhất với những kẻ nhập cư mới đến như chúng tôi, mà còn là cả một vấn đề lớn với ngay cả với người dân Canada bản địa sinh ra, lớn lên và được đào tạo ở nơi đây. Theo số liệu thống kê của chính phủ Canada, thời gian trung bình để tìm được một công việc phù hợp của một người dân Canada là 6 tháng. Chúng tôi cảm thấy yên tâm phần nào khi nghe con số này, bởi ít nhất chúng tôi có 6 tháng để làm quen với môi trường mới, văn hóa mới, để rải truyền đơn, để đi phỏng vấn, để có cơ hội thất bại và học được từ những thất bại đó.

Làm thế nào để xin được việc làm ở Canada là câu hỏi luôn thường trực trong đầu, là chủ để mà chúng tôi liên tục tìm kiếm, nghiên cứu qua tất cả các kênh thông tin, qua google, qua người quen và cả những người không quen. Ngay cả khi ở Việt Nam, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ để viết CV, phỏng vấn xin việc mà tôi cũng chưa bao giờ nghĩ tìm việc là dễ dàng. Với những kẻ mới tới như chúng tôi, trở ngại lớn nhất là không có kinh nghiệm làm việc tại Canada, không có bằng cấp Canada và cũng không hiểu văn hóa làm việc Canada. Thêm vào đó, ở Toronto - thành phố đông dân nhất bậc nhất Canada, sự cạnh tranh là vô cùng khốc liệt. Hai vợ chồng như trở lại thời chân ướt chân ráo vừa tốt nghiệp đại học và bắt đầu săn việc từ con số 0. Biết rằng lựa chọn đến Toronto là khó khăn, nhưng tôi tin rằng thử thách càng khó thì phần thưởng càng lớn 😎

Giống như những gì tôi vẫn thường làm, đứng trước một thử thách, điều đầu tiên tôi làm là Research Research and Research - mọi thử thách đều phần nào trở nên dễ dàng hơn khi chúng ta hiểu rõ và có chiến lược để đối phó 🙂

Tôi dành phần lớn thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa làm việc của người Canada, quy trình xin việc, cách viết và đánh bóng Resume, cách tiếp cận nhà tuyển dụng, cách phỏng vấn... Không chỉ thế, chúng tôi tận dụng mọi cơ hội để kết nối với những tổ chức hỗ trợ người nhập cư, các công ty headhunter, đến các hội chợ việc làm, gặp gỡ và phỏng vấn trực tiếp với các nhà tuyển dụng tiềm năng. Dưới đây là tổng kết các bước, các kinh nghiệm trong quá trình săn việc của chúng tôi:

1. Chuẩn bị càng sớm càng tốt

Như tôi đã nói, chính phủ Canada cực kì quan tâm đến cuộc sống người dân, và đầu tư rất nhiều vào vô số các chiến dịch hỗ và động viên người dân kiếm việc làm thông qua hoạt động của các tổ chức phi lợi nhuận, trung tâm xã hội cộng đồng. Các chương trình này cực kì rất đa dạng, có chương trình hỗ trợ offline và online, cả trước và sau khi đến Canada, dạy bạn các kĩ năng làm việc, kĩ năng chuyển đối kinh nghiệm để phù hợp với môi trường làm việc tại Canada.

Ngay từ khi còn ở Việt Nam, tôi đã liên hệ với các tổ chức hỗ trợ nhập cư của Canada (JVS Toronto và YMCA), tham gia các hội thảo trực tuyến, nói chuyện và tư vấn bởi các chuyên gia nhân sự của Canada. Họ giúp tôi đánh giá hồ sơ xin việc, hướng dẫn viết Resume lại theo phong cách của Canada và đặc biệt là định hướng giúp lộ trình tìm việc khi đến Canada, kết nối chúng tôi với các tổ chức hỗ trợ khác tại Canada. Chúng tôi vô cùng xúc động và bất ngờ khi được hỗ trợ tận tình bởi những con người cách chúng tôi đến 12 múi giờ dù chưa bao giờ, và cũng không bao giờ gặp mặt. 

Sau khi có một bộ hồ sơ xin việc hoàn thiện "kiểu Canada", chúng tôi cũng thử nộp đơn xin việc, liên hệ các nhà tuyển dụng từ khi còn ở Việt Nam, nhưng đúng như chúng tôi dự đoán, các nhà tuyển dụng đều không hồi âm bởi chúng tôi không có một địa chỉ và số điện thoại liên hệ cụ thể ở Canada.

2. Tham gia khóa học hỗ trợ của chính phủ

Với lộ trình đã lên sẵn từ Việt Nam, sau tuần đầu ngất ngưởng vì jetlag ở Canada, song song với việc rải đơn xin việc, tôi đăng kí vào một khóa học kéo dài 1 tháng mang tên Youth Job Connections - một trong những chương trình hỗ trợ tìm việc cho những người trẻ "thất nghiệp tạm thời" tại Toronto. Điểm hay của chương trình này là không những bạn được học các kĩ năng tìm việc, được kết nối với các nhà tuyển dụng, mà còn được trả lương trong thời gian học. Mỗi giờ ngồi học và tham gia các hoạt động của khóa học, tôi được trả lương $14. Khóa học này rất thú vị với tôi, vì tại đây tôi được tiếp xúc với các bạn trẻ Canada, hầu hết là các cử nhân đại học đã tốt nghiệp và chưa tìm được việc làm như ý. Tại đây, họ hướng dẫn chúng tôi một cách bài bản: từ việc khám phá bản thân để lựa chọn ngành nghề phù hợp nhất, đến các phương tiện tìm việc, cách phỏng vấn, tiếp cận và gây ấn tượng với nhà tuyển dụng... Học luôn đi đôi với hành, trong suốt khóa học, các học viên khóa học bắt buộc phải tham gia các buổi hội chợ việc làm của các công ty lớn, phỏng vấn với các nhà tuyển dụng, để rèn kĩ năng phỏng vấn... Chúng tôi được luyện tập để trở nên tự tin, đúng hơn là "chai lì" hơn trong mỗi buổi phỏng vấn, để được quen hơn với cảm giác thất bại và tập cách cải thiện bản thân sau mỗi lần thất bại - có lẽ đó là điều quý giá nhất mà tôi học được sau khóa học này.

Tôi có cảm giác rằng, ở đất nước này, miễn là bạn có khả năng lao động, chính phủ sẽ tìm mọi cách để "ủn" bạn ra thị trường lao động, trở thành một con người có ích cho bản thân, và cho xã hội. Họ trả tiền để chúng tôi học cách tìm việc, trả tiền để chúng tôi đi làm tóc và mua trang phục phù hợp với buổi phỏng vấn, và nếu chúng tôi không tự tìm được việc vào cuối khóa học, họ sẽ tìm chỗ làm và trả tiền cho các doanh nghiệp để nhận chúng tôi vào làm việc, với điều kiện là chúng tôi qua được vòng phỏng vấn của doanh nghiệp đó.

Song song với việc tham gia khóa học, tôi vẫn tự tìm việc, phỏng vấn và đậu vào vị trí Guidance tại một trường quốc tế ở downtown Toronto vào tuần thứ 3 của khóa học. Tuy công việc tôi kiếm được không phải qua khóa học này, nhưng việc tham gia vào khóa học này thực sự giúp tôi mở mang kiến thức, hòa nhập hơn vào cộng đồng Canada, tự tin hơn trong quá trình phỏng vấn xin việc, và nhất là khi bắt đầu làm trong một môi trường làm việc mới.

3. Tham gia các khóa học Bridge Training Programs

Hầu hết dân nhập cư sang Canada diện skilled worker đều có một số kĩ năng làm việc tại quê nhà, và các khóa học Bridge Training Programs này được tổ chức bởi các trường cao đẳng, đại học, tổ chức phi lợi nhuận, để giúp những người nhập cư có "tay nghề" chuyển đổi kinh nghiệm, kĩ năng làm việc để phù hợp với môi trường làm việc tại Canada. Các chương trình này rất đa dạng, dành cho hầu hết các ngành nghề và được thiết kế trong thời gian khá ngắn (khoảng 3-6 tháng), phù hợp với các đối tượng cần một khoảng thời gian để thích nghi và tìm việc. Các bạn quan tâm có thể tham khảo và tìm khóa học cho mình tại đây (https://goo.gl/F3QLzu). Học các khóa này xong, bạn sẽ có thêm hiểu biết về thị trường việc làm trong lĩnh vực chuyên môn của mình, đồng thời có cơ hội kết nối với các nhà tuyển dụng, tìm kiếm được cơ hội làm việc hoặc thực tập hưởng lương, và đặc biệt là kiếm được một cái "Canadian Credential" - Bằng cấp tại Canada để rút ngắn khoảng cách với các job seekers khác.

Chồng tôi làm trong lĩnh vực IT, và có đăng kí một khóa học 6 tháng của Humber College (https://goo.gl/Cu1McD). Học phí cho khóa này là hơn $3000, nhưng được chính phủ hỗ trợ cho vay toàn phần (http://www.iafcanada.org/). Lộ trình cho bạn chồng tôi là sẽ học khóa này để nâng cao kĩ năng và tiếng anh, song song với việc tiếp tục săn và apply tìm việc. Bạn chồng tìm được job trước khi bắt đầu khóa học nên cuối cùng chúng tôi cancel kế hoạch này. Tuy nhiên, nói chung tôi thấy đây là một lộ trình tốt cho các bạn mới đến và gặp khó khăn khi tìm việc đúng ngành, đúng kĩ năng.

Đối với các bạn có ý định tham gia khóa học này, các bạn nên chuẩn bị trước một số thứ như:

  • Tiếng anh: IELTS (Academic, khoảng 6.5-7.0) - cái này có thể chuẩn bị và thi trước từ ở nhà, hoặc nếu đã đến Canada, hãy tìm đến YMCA ở Canada để assess trình độ tiếng anh theo tiêu chuẩn CLB.
  • Work reference để chứng minh kinh nghiệm làm việc trong ngành của mình
  • Resume
  • Bằng cấp đại học/thạc sĩ + bảng điểm cùng Education Assessment report của WES (chính là cái WES report dùng khi làm hồ sơ định cư)

4. Mở rộng quan hệ - Networking, Networking và Networking

Theo thống kê, 85% việc ở Canada là hidden job, tức là 85% công việc không được quảng cáo qua các phương tiện truyền thông. Cách duy nhất để có được thông tin về các công việc này là thông qua các mối quan hệ (networking). Có nhiều cách để networking tại Canada, ví dụ như kết nối với những tổ chức hỗ trợ người nhập cư, các công ty headhunter, đến các hội chợ việc làm, lên các diễn đàn chuyên môn và gặp gỡ những người có cùng chuyên môn, sở thích,... Thông qua những cộng đồng này, không những bạn có thể học hỏi kinh nghiệm những người đi trước, nhờ họ làm reference và thâm nhập vào thị trường hidden jobs tại Canada. Đây là cách mà chúng tôi đã làm để networking:

  • Gửi hồ sơ và kết nối với các agent/headhunter (các agent lớn tại Canada là Randstad, Robert Half, Adecco,...) Các agent này sẽ phần nào giúp các bạn sửa Resume, tìm kiếm các công việc phù hợp và chuẩn bị cho bạn trước buổi phỏng vấn với nhà tuyển dụng tiềm năng)
  • Kết nối, mở rộng các mối quan hệ với tất cả những người thân quen, bạn bè. Hồi ở Việt Nam, tôi làm việc cho một dự án phi lợi nhuận của Chính phủ Canada, và nhờ thế mà tôi quen biết (dù không thân thiết) với các bạn đồng nghiệp người Canada. Khi sang Toronto, tôi kết nối lại với họ, và được họ trợ giúp rất nhiệt tình. Quan trọng nhất đối với tôi là họ biết về công việc mà tôi từng làm và sẵn lòng làm reference cho tôi khi xin việc. Ngoài những người bạn đã quen từ trước, bằng cách tham gia các khóa học, hội thảo, tôi gặp gỡ và kết bạn và có thêm nhiều mối quan hệ mới. Có thêm bạn bè và các mối quan hệ trong xã hội giúp chúng tôi học hỏi được nhiều hơn và tự tin hơn rất nhiều.
  • Tham gia các diễn đàn, hội thảo chuyên môn cho những người làm cùng lĩnh vực. Ví dụ như bạn chồng tôi tham gia các Information session dành cho IT tại ACCES Employment. Tôi rất recommend các bạn new immigrant tìm đến ACCES bởi tôi thấy họ hoạt động rất chuyên nghiệp và hiệu quả. Hai vợ chồng tôi cùng đến ACCES, được họ tư vấn các khóa học/chương trình phù hợp và refer tới những job post phù hợp với kĩ năng. Công việc chính phủ mà chồng tôi đi phỏng vấn và có được cũng là do ACCES giới thiệu, đây là điển hình của một hidden job bởi nó không hề được quảng cáo/thông báo trên bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng nào. Nhà tuyển dụng chỉ đơn thuần gửi mail thông báo về nhu cầu tìm người có kĩ năng phù hợp qua network của họ, và ACCES thấy kĩ năng của bạn chồng match với yêu cầu công việc, do đó họ gửi resume apply và kiếm cho bạn ấy một interview appointment. Phần còn lại, việc của bạn chồng chỉ là gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, chứng minh khả năng của bản thân trong buổi phỏng vấn. Tôi rất tự hào vì bạn ấy đã vượt qua chướng ngại vật lớn nhất này và được offer công việc này ngay sau buổi phỏng vấn 🙂

5. Giữ vững tinh thần

Chúng tôi đã apply rất nhiều và cũng bị từ chối rất nhiều. Mỗi lần xin việc lại là một lần chuẩn bị công phu từ khoản chỉnh sửa resume cho phù hợp, đến tìm hiểu về công ty tuyển dụng, chuẩn bị tinh thần cho phỏng vấn. Cảm giác mỗi lần bị từ chối rất chán nản và thất vọng. Nhưng có lẽ chính vì bị từ chối nhiều mà dần dần hai kẻ gà mờ chúng tôi trở nên "chai" hơn trong mỗi lần phỏng vấn, tự tin hơn để "chém gió" tốt hơn 😛 Sau mỗi lần thất bại, chúng tôi lại học thêm được một chút, và cải thiện dần khả năng phỏng vấn của mình, chuẩn bị tốt hơn cho những cơ hội sau.

Kết quả là chưa đầy hai tháng đặt chân đến Canada, cả hai vợ chồng tôi đã tìm được công việc như ý. Điều kì diệu là hai job offers của hai vợ chồng không hẹn mà đến cùng một ngày, cùng một giờ. Đó là khoảnh khắc mà chúng tôi mãi ghi nhớ - ngày 22/11/2017 - đánh dấu viên gạch đầu tiên chúng tôi đặt được xuống mảnh đất này.

>> Xem thêm phần 1: Tại sao tôi quyết định đến Canada? Con đường nào cho chúng tôi? TẠI ĐÂY

>> Xem thêm phần 2: Chạm tay vào giấc mơ - những cảm nhận đầu tiên ở Canada TẠI ĐÂY

>> Phần tiếp theo: Công việc mới của tôi - cuộc sống học đường ở Canada và những trải nghiệm tôi chưa từng có...Comming Soon

Theo: Grace Nguyên

(Nguyễn Vũ Thảo Nguyên - Trưởng đại diện của Blue Ocean Education tại Canada)

Để được tư vấn du học Canada và định hướng lộ trình định cư Canada hãy liên hệ ngay Blue Ocean qua hotline: 0967 02 7711 hoặc để lại thông tin theo form đăng ký phía dưới, chúng tôi sẽ liên hệ lại tư vấn và hỗ trợ chi tiết nhất.

Blue Ocean


ĐỐI TÁC